Uống trà là một tập quán trong sinh hoạt dân gian đã có lâu đời ở nước ta. Tùy điều kiện làm việc, khí hậu từng vùng miền mà mỗi nơi có cách uống trà và sử dụng bộ đồ trà khác nhau đôi chút. Trong bài viết này, chủ yếu chúng tôi muốn giúp bạn đọc tìm hiểu loại ấm Tử sa đang được các nhà buôn đường dài Trung Quốc (TQ) mang sang bày bán cùng với mặt hàng gốm sứ, ngày một nhiều tại các chợ, siêu thị.
Nghề chơi lắm công phu
Là người sành uống trà, chắc ai cũng từng nghe nói:
Thứ nhứt Thế Đức gan gà
Thứ nhì Lưu Bội thứ ba Mạnh Thần
Thế Đức, Lưu Bội và Mạnh Thần là 3 loại ấm trà làm bằng đất tử sa, mà ngày nay ai còn giữ được, thì họ chính là chủ nhân của những cổ vật trân ngoạn vô giá. Cũng trong vòng hai ba năm trở lại đây, cùng với mặt hàng gốm sứ, các thương nhân Trung Quốc còn đem sang thị trường VN rất nhiều ấm, chén, bộ đồ trà và vật dụng làm bằng đất tử sa, bắt đầu xuất hiện những nhà buôn bán nhỏ và giới chơi ấm Tử sa (sưu tập).
Chủng loại ấm Tử sa bày bán tại thị trường VN đa dạng, phong phú, có nhiều món tinh xảo, bắt mắt, nhưng chưa thấy xuất hiện những chiếc ấm xuất sắc, tiêu biểu của mặt hàng gốm Tử sa (kể cả những chiếc ấm được người bán cất gói rất "bí mật", nói là chỉ dành cho khách quen, sành điệu!). Về chất lượng và giá cả thì thượng vàng hạ cám, giá nào cũng có. Từ chiếc ấm làm bằng tay nghề vụng về, lộ hẳn chất đất chưa được tinh luyện giá chỉ 20- 50.000VNĐ, tới những chiếc bày trong lồng kính có khắc chạm hình và bài thơ, kèm dấu triện, niêm giá bằng đồng nhân dân tệ, quy đổi ra tiền VN ngót nghét hàng chục triệu đồng. Nhìn chung, mặt hàng ấm Tử sa được các thương lái đưa vào thị trường VN, phổ biến có 3 loại:
1. Loại ấm rẻ tiền đã nói ở trên, hay những "bộ đồ trà" với đủ bộ sậu: Khay, ấm, dĩa, tách và dụng cụ pha trà nhưng giá bán chỉ từ hai, ba trăm ngàn đồng/bộ (nên nhớ, người sành chơi ấm Tử sa chỉ cốt coi trọng chiếc ấm, ít ai uống trà bằng tách Tử sa, vì không nhìn thấy màu sắc của trà).
2. Loại ấm thông dụng, có thể pha trà uống hàng ngày, dùng cho một,hai hoặc ba người trở lên. Giá từ 200.000 đến 800.000 VNĐ/ấm.
3. Loại ấm giả cổ, dành cho người sưu tập, giá khoảng 2-300 ngàn VNĐ. Loại này thường nhái kiểu dáng ấm xưa, hay làm giả sản phẩm nổi tiếng của các danh gia đương thời trong lĩnh vực chế tạo gốm tử sa, với đầy đủ dấu triện ở đáy, nắp và quai ấm. Trước khi đem bán, các ấm này thường được chôn dưới đất một thời gian, hoặc ngâm trong cặn nhớt, mực tàu, cho cũ đi, để làm ra vẻ cổ.
Ấm giả cổ
Ngoài 3 loại kể trên, những chiếc ấm Tử sa tiền triệu trở lên đòi hỏi người chơi phải có kiến thức nhất định, mới có thể phân biệt chơn giả, tốt xấu. Cũng cần biết rằng, tại TQ sau Cách mạng văn hóa, công nghệ chế tạo gốm tử sa được nhà nước chủ trương phục hồi, ngoài việc nổi lên những tay nghề bậc thầy làm ra chiếc ấm tinh tế, hoàn hảo, chẳng những không thua sút các danh gia thời xưa, mà tài năng của họ còn được khoa học, kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đã cho ra đời những chiếc ấm mới hoặc giả cổ tinh diệu đến mức...thần kinh quỷ sợ. Ngay từ những ngày đầu ấm Tử sa thịnh hành trở lại, tại TP.Thượng Hải đã xuất hiện hàng nhái, hàng giả. Năm 1979 ấm Tử sa Nghi Hưng được Công ty Trân Bảo nhập vào Đài Loan, thì năm 1980 ở đây cũng có hàng giả. Lúc đầu, do kỹ thuật làm giả chưa tinh vi nên dễ nhận biết, hiện nay muốn phân biệt ấm Tử sa thật-giả, có người nói phải nhờ đến chuyên gia giám định đồ cổ mới đảm bảo chính xác! Đối với những người chuyên sưu tập, do am hiểu về lịch sử cũng như quá trình chế tạo ấm Tử sa, kết hợp với quan sát cốt gốm, cách tạo hình và họa tiết trên ấm, nên chỉ cần "nhìn bằng mắt, cảm thụ bằng tay", họ có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả.
Ấm mua ở phố Thành Hoàng (Thượng Hải) niêm giá 650 tệ (1.300.000 VNĐ) nhưng mua chỉ 180 tệ (360.000 VNĐ)
Mua tại lò Tử Sa Tô Châu, 300 tệ (600.000 VNĐ)
Ấm Tử sa Đài Loan của nghệ nhân Lâm Quốc Thuận, mua ở Đài Bắc, 50USD
Nguồn gốc ấm Tử sa Nghi Hưng
Thành phố Nghi Hưng, xưa là huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô, nằm trên bờ hồ Tam Giác Châu chảy ra Trường giang, vị trí cách bờ Tây Thái Hồ (Vô Tích) 64km, giáp ranh tỉnh An Huy. Kỹ thuật gốm sứ Nghi Hưng có bề dày lịch sử hơn 5.000 năm, tương truyền Phạm Lãi và Tây Thi sau khi giúp Câu Tiễn diệt nước Ngô, đã cùng nhau đến Nghi Hưng sống cuộc đời ẩn dật, lấy nghề nặn gốm làm thú tiêu khiển. Gốm Nghi Hưng được định hình từ đời Tống-Nguyên, đến đời Minh-Thanh mới phát triển hưng thịnh, trong đó gốm tử sa với những tính năng công dụng, phong cách nghệ thuật độc đáo được xem là "bông hoa của kinh đô gốm" đã tỏa hương sắc bay ra thế giới.
Về việc phát hiện ra gốm tử sa, truyền thuyết kể rằng: Vào thời xa xưa, có một thầy tu cứ mỗi lần đi qua thôn Thục Sơn- Nghi Hưng thì cất tiếng rao to "Mại phú quý thổ, mại phú quý thổ!" ( Bán đất giàu sang đây), những người dân địa phương hiếu kỳ chỉ nhìn ông rồi bỏ đi. Thầy tu thấy mọi người dững dưng, không ai phản ứng gì, càng ra sức rao "Quý bất dục mãi, mãi phú như hà ?" ( Không muốn mua quý, thì làm sao giàu được). Rồi dẫn mấy người trong thôn đến nơi mà ông gọi là "Phú quý thổ", nằm trong hai ngọn núi Thanh Long và Hoàng Long (trấn Đinh Thục). Tại đây, người ta đào thấy đất sét có 5 màu: đỏ, vàng, xanh lục, xanh lam và tím, dùng chế tạo gốm rất tốt.
Tử sa là loại gốm tự nhiên có chất đất nhỏ mịn, hàm lượng chất sắt cao, tính kết dính dễ tạo hình, nhất là khi dùng chế tác vật dụng nhỏ, tinh xảo như ấm trà. Người xưa đã tổng kết 5 ưu điểm của ấm Tử sa:
1. Dùng để pha trà không mất đi nguyên vị của trà, "Sắc,hương,vị giai uẩn" (giai uẩn có nghĩa là tiềm tàng). Văn Chấn Hanh đời Minh bình luận trong tập Trường vật chí : "Ấm Tử sa dùng pha trà tốt nhất, đậy nắp không mất mùi thơm, giữ nóng lâu".
2. Thành ấm có nhiều lỗ thông khí kép nhỏ li ti (còn gọi là khí khổng), dùng lâu ngày có thể hấp thu mùi vị trà, chỉ cần chế nước sôi vào là có hương vị trà.
3. Nước trà pha trong ấm để quên mấy ngày không bị thiu, mốc hay biến chất.
4. Ấm sử dụng càng lâu càng phát màu, Ngô Kiến đời Thanh nói: "Ấm Tử sa dùng hàng ngày, năng lau chùi sẽ sáng bóng như gương".
5. Ấm Tử sa có đặc điểm chịu được sự biến động nhiệt độ nóng lạnh tức thời mà không bị rạn nứt, lại truyền nhiệt chậm, lỡ tay cầm vào ấm không bị phỏng.
Ấm "Bách nhi đồ", khắc chạm hình 100 đứa trẻ
Theo tài liệu khảo cổ, năm 1976 khi khai quật vùng núi Dương Tiện thuộc huyện Nghi Hưng, các nhà khảo cổ đã phát hiện di chỉ lò gốm Tử sa có từ đời Tống (960-1297), tuy vậy, phải đến đời Minh nghệ thuật chế tạo các vật dụng tinh xảo, trong đó có ấm trà mới thịnh hành. Theo sách Dương Tiện mính hồ hệ của tác giả Châu Cao Khởi ghi chép, thì Cung Xuân là người đầu tiên đưa ấm Tử sa từ một sản phẩm thủ công thô sơ trở thành tác phẩm nghệ thuật sáng tạo nổi tiếng vào thời Gia Tĩnh và Chính Đức (triều Minh). Tương truyền, Cung Xuân là gia đồng theo hầu chủ nhân Ngô Di Sơn đang trọ học ở chùa Kim Sa (Nghi Hưng). Trong chùa có vị sư già làm ấm trà rất khéo, Cung Xuân đã lén học nghề ông ta. Có lần, Ngô Di Sơn nhìn thấy những ấm trà do Cung Xuân làm ra, tuy mộc mạc chất phát nhưng dáng vẻ trang nhã vô cùng, liền bảo làm thêm mấy chiếc, rồi mời những bậc thức giả đến thưởng ngoạn, mọi người đều hết lời khen ngợi, tán thưởng. Từ đó ấm Cung Xuân có tiếng và mấy năm sau thì thành danh, người đương thời tranh nhau mua, đến nỗi trong giới sưu tầm cổ ngoạn có câu: "Ấm Cung Xuân quý hơn vàng ngọc".
Nghệ thuật tạo hình ấm Tử sa
Hình dạng ấm Tử sa có thể gói gọn trong bốn chữ "Thiên hình vạn trạng", nhưng tựu trung các sản phẩm làm ra dựa trên 3 cách tạo hình căn bản:
1.Tạo hình ấm Tử sa dạng hình học - Áp dụng các đường nét hình học để làm ra sản phẩm, trang trí trên thân ấm, bao gồm 2 phương pháp tạo hình chính:
A- Tạo hình ấm tròn: Hình dáng ấm Tử sa dạng tròn chủ yếu do các đường cong có định hướng và độ cong khác nhau tạo thành, đặc biệt coi trọng 5 yếu tố: tròn đầy, chặt chẽ, hài hòa, vững chãi và uyển chuyển. "Tròn, vững, cân, chính" là qui tắc bắt buộc nghệ nhân làm ấm phải tuân thủ. Thân ấm, miệng ấm, nắp, đáy, vòi, vai, eo phải cân xứng, liền lạc. Trong cương có nhu, dày mà không nặng, chắc chắn mà không thô kệch, có da có thịt. (Ảnh: ấm Huệ Mạnh Thần, đời Minh)
B- Tạo hình ấm vuông: Ấm vuông còn gọi là ấm Phương chung, chủ yếu do các đường thẳng có độ dài, ngắn khác nhau tạo thành. Tuy gọi là ấm vuông, nhưng có thể là hình khối 4,6 hoặc 8 cạnh. Cấu trúc đường nét liền lạc, góc cạnh rõ ràng, tạo cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng. Đường thẳng đứng và đường ngang là chủ đạo; nét cong, uốn góc là phụ; trục và đường chân trời phải cân đối, chính xác. Núm và nắp ấm tương ứng với thân, 3 chỗ cong của vòi ấm và tay cầm tương ứng trước sau, tạo sự gần gũi,dễ nhìn. (Ảnh: ấm Mạn Sinh, đời Thanh)
2- Tạo hình ấm Tử sa dạng tự nhiên: Các nghệ nhân đã vận dụng trí tưởng tượng, thông qua thủ pháp nghệ thuật biến hóa hình ảnh, sự vật trong đời sống thành hình thể vật dụng. Hoặc trên miệng ấm, quai, nắp, núm và các phần dễ thấy trên thân ấm được điêu khắc, trang trí, viết thư pháp, vẽ tranh, chạm lộng... những hình ảnh tinh tế, hiện thực hay cách điệu. Sinh ra từ tự nhiên mà vượt trội tự nhiên là tiêu chí sáng tạo của những nghệ nhân theo trường phái này. (Ảnh: ấm vô khoản - không đề hiệu, đời Thanh)
3- Tạo hình ấm Tử sa dạng hoa văn đắp nổi: Trên dưới đối xứng, thân hòa với nắp, hình thể cân đối, hoa văn rõ nét. Chọn góc nhìn trực diện từ trên xuống, thân ấm và hoa văn hòa hợp, sắp xếp tỉ mỉ, có độ nong sâu, phân rõ tối sáng. (Ảnh: ấm Dương Phụng Niên, đời Thanh)
Hiện nay, do mức độ cung cầu đã thấy xuất hiện loại ấm Tử sa kết hợp 2 hoặc cả 3 cách tạo hình nói trên. Bằng tài hoa và sự sáng tạo không có điểm dừng, nhiều nghệ nhân đã bước vào cảnh giới vô vi với những chiếc ấm Tử sa "không vuông không tròn", hoặc "vuông không chỉ một kiểu, tròn không chỉ một dáng".
SONG MỘC
Nghệ thuật bảo dưỡng ấm; Nghệ nhân Tử sa xưa và nay.
Tài liệu tham khảo: Trung Quốc cổ đào từ - Trần Văn Bình- NXB Thượng Hải, Đào từ nghệ thuật - Viễn Hoằng, Tường Ba- NXB Mỹ Thuật Hắc Long Giang, Tử sa mính hồ- Hàn Thiếu Khải- NXB Nhiếp ảnh Thâm Quyến, Tử sa khái thuật- Cty TNHH Tam Đường, Trà Tàu và ấm Nghi Hưng- Nguyễn Duy Chính-Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment